Động vật xâm lấn.
Tác động mà các loài sinh vật xâm hại gây ra đối với môi trường sống rất đa dạng nhưng có thể gộp chung thành 4 nhóm là:
(1) Cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn, nơi sinh sống;
(2) Ăn thịt các loài bản địa;
(3) Phá huỷ hoặc làm thoái hóa môi trường sống bản địa, phá hoại mùa màng;
(4) Truyền bệnh và ký sinh trùng cho các loài bản địa cũng như cư dân địa phương..
Các kết quả nghiên cứu cho thấy sinh vật ngoại lai xâm hại đã làm tuyệt chủng 39% số loài xuất hiện trên bề mặt trái đất kể từ năm 1600 và phá hủy mất 36% các hệ sinh thái.
Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp của cá rô phi sông Nile (Lates niloticus) được du nhập vào tại hồ nước ngọt lớn thứ hai thế giới Victoria, thuộc lãnh thổ của 3 nước Uganda, Kenya và Tanzania năm 1954 đã gây ra sự tuyệt chủng của hơn 200 loài cá khác trong hồ trong đó có loài rô phi bản địa Negege (Oreochromis esculentus). Cư dân xung quanh hồ chặt củi phá rừng để sấy cá dẫn đến xói mòn đất đồng thời rửa trôi các chất dinh dưỡng xuống hồ, làm bùng phát sự phát triển của tảo và bèo Nhật Bản, làm cá trong hồ chết nhiều hơn do thiếu oxy. Việc du nhập cá rô phi sông Nile còn được cho là nguyên nhân làm nghèo đói hơn đời sống của dân cư xung quanh hồ do việc khai thác thương mại loài cá này đã làm cư dân mất đi nghề đánh bắt và chế biến cá truyền thống, trong khi lợi nhuận từ việc khai thác chỉ rơi vào túi một số người (FAO, 1989). Ở Việt Nam, việc nhập nuôi ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata), một trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới đã khiến nền nông nghiệp trả giá đắt trong thập niên 1990.
Tôm hùm đất (tôm càng đỏ) và hoạt động kinh doanh
Tôm càng đỏ là sinh vật ngoại lai xâm hại, không được nhập khẩu, nhân nuôi thương mại, được dân buôn nhập chủ yếu từ Mỹ và Trung Quốc. Tôm càng đỏ sống dưới bùn sâu, luồn rất giỏi, dùng càng đào hang để tìm giun, tảo nhỏ ăn, hoạt động vào ban đêm là chính. Loại tôm này thích ứng rất cao với môi trường mới, không chỉ dưới nước mà trên cạn bò cũng rất nhanh. Vì thế, các cửa hàng chỉ để rơi rớt vài con là nó bò đi chỗ khác, từ đó lan rộng dễ dàng. Loài tôm này cũng có vòng đời ngắn, sinh sản rất nhanh như ốc bươu vàng.
Tôm càng đỏ khi ra ngoài môi trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đa dạng sinh học của Việt Nam. Đối với lúa, hoa màu nó phá như ốc bươu vàng. Thậm chí, có nguy cơ mang những virus, vi khuẩn…truyền bệnh cho các loài khác, chưa kể con người. Loài tôm càng đỏ không có tên trong Danh mục loài thủy sinh được phép kinh doanh tại Việt Nam.
