Thực vật sinh sống trong hệ sinh thái dễ bị cháy rừng thường có sự thay đổi để thích nghi với điều kiện tự nhiên. Các thích ứng này bao gồm bảo vệ vật lý chống nóng, tăng trưởng sau cháy rừng và loại bỏ các thành phần, chất dễ cháy. Ví dụ, vỏ cây dày đặc, rụng cành, cây thấp và có hàm lượng nước cao trong các cấu trúc bên ngoài để bảo vệ cây khỏi nhiệt độ tăng. Hạt giống chịu được nhiệt độ cao và chồi dự trữ nảy mầm sau đám cháy để tăng khả năng bảo tồn loài, như các loài ‘tiên phong ưa sáng’- là loài đầu tiên tái sinh sau đám cháy, ví dụ cây sau sau là loài cây tiên phong ưa sáng điển hình. Khói, gỗ cháy và nhiệt độ có thể kích thích sự nảy mầm của hạt. Khói từ thực vật bị đốt cháy có chứa chất thúc đẩy sự nảy mầm của hạt một số loài.
