Động vật là một nhóm sinh vật chính, được phân loại là giới Động vật (Animalia) trong hệ thống phân loại 5 giới. Nhìn chung, động vật là các cơ thể đa bào hoặc đơn bào, có khả năng di chuyển và đáp ứng với môi trường, có thức ăn là các sinh vật khác (dị dưỡng). Sơ đồ cấu tạo cơ thể động vật đã được quy định nghiêm ngặt trong quá trình phát triển cơ thể (ontogeny) từ giai đoạn phôi đến các giai đoạn phát sinh hình thái (metamorphosis) sau đó.
Thông thường, người ta chia giới động vật, nghĩa là tổng hợp tất cả các loài động vật thành có xương sống và không xương sống. Các động vật có xương sống đều có một bộ xương bao gồm một cột sống do các đốt sống tạo thành, còn các động vật không xương sống không có một cột sống như vậy. Thực tế lại rất phức tạp, bởi giữa các loài động vật có xương sống bao gồm cả cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú chỉ chiếm phần rất ít của giới động vật, khoảng 40.000 loài trên tổng số khoảng 1.100.000 loài (hay hơn nữa).
Động vật có xương sống:
– Động vật có vú: Các động vật có vú có thể được xác định bởi sự hiện diện của các tuyến mồ hôi, bao gồm cả những tuyến chuyên sản xuất sữa để nuôi con. Não bộ điều chỉnh thân nhiệt và hệ tuần hoàn, bao gồm cả một trái tim bốn ngăn.
– Chim: Chim (danh pháp khoa học: Aves) là tập hợp các loài động vật có xương sống, máu nóng, đi đứng bằng hai chân, có mỏ, đẻ trứng, có cánh, có lông vũ và biết bay (phần lớn). Trong lớp Chim, có hơn 10.000 loài còn tồn tại, giúp chúng trở thành lớp đa dạng nhất trong các loài động vật bốn chi.
– Bò sát: Động vật bò sát (danh pháp khoa học: Reptilia) là các động vật bốn chân có màng ối (nghĩa là các phôi thai được bao bọc trong màng ối). Động vật bò sát được tìm thấy gần như ở mọi nơi trên thế giới, ngoại trừ châu Nam Cực, mặc dù khu vực phân bổ chính của chúng là các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Mặc dù tất cả hoạt động trao đổi chất trong các tế bào sản sinh ra một nguồn năng lượng nhất định, nhưng phần lớn các loài bò sát ngày nay không sản sinh ra đủ năng lượng để duy trì một thân nhiệt ổn định và vì thế chúng còn được gọi là “động vật máu lạnh” (ectothermic), ngoại lệ duy nhất là rùa da (Dermochelys coriacea).
– Động vật lưỡng cư: Động vật lưỡng cư (danh pháp khoa học: Amphibia) là một lớp động vật có xương sống máu lạnh. Tất cả các loài lưỡng cư hiện đại đều là phân nhánh Lissamphibia của nhóm lớn Amphibia này. Động vật lưỡng cư phải trải qua quá trình biến đổi hình thái từ ấu trùng sống dưới nước tới dạng trưởng thành có phổi thở không khí, mặc dù vài loài đã phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau để bỏ qua giai đoạn ấu trùng ở trong nước vì chúng dễ gặp nguy hiểm. Da được dùng như cơ quan hô hấp phụ, một số loài kỳ giông và ếch thiếu phổi phụ thuộc hoàn toàn vào da. Động vật lưỡng cư có hình dáng giống bò sát, nhưng bò sát, cùng với chim và động vật có vú, là các loài động vật có màng ối và không cần có nước để sinh sản. Trong những thập kỷ gần đây, đã có sự suy giảm số lượng của nhiều loài lưỡng cư trên toàn cầu.
– Cá: Cá là những động vật có dây sống, phần lớn là ngoại nhiệt (máu lạnh), có mang (một số có phổi) và sống dưới nước. Hiện người ta biết khoảng trên 31.900 loài cá, điều này làm cho chúng trở thành nhóm đa dạng nhất trong số các động vật có dây sống. Sự biến nhiệt cho phép thân nhiệt của chúng biến đổi theo sự thay đổi nhiệt độ của môi trường, mặc dù một số loài cá lớn có hoạt động bơi lội tích cực như cá mập trắng lớn và cá ngừ có thể duy trì một thân nhiệt cao hơn.
Động vật không xương sống: Động vật không xương sống ngay tên gọi đã phản ánh đặc trưng của những loài thuộc nhóm này là không có xương sống. Nhóm này chiếm 97% trong tổng số các loài động vật.
Phân loại động vật dựa trên loại thức ăn chúng tiêu thụ
Động vật ăn thịt là sinh vật sống dựa chủ yếu vào việc ăn thịt mô các loài động vật khác, dù thông qua việc săn mồi hay nhặt mồi. Những động vật phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thịt tươi được gọi là động vật ăn thịt bắt buộc (hay động vật ăn thịt toàn phần), trong khi những động vật ăn cả những thức ăn phi động vật được gọi là động vật ăn thịt tùy ý (hay còn gọi là động vật ăn thịt cơ hội hay động vật ăn thịt bán phần).
Động vật ăn tạp tiêu thụ cả thức ăn từ động vật và thức ăn không phải từ động vật, tuy nhiên không có một tỉ lệ phân chia rõ ràng nào về thức ăn động vật và thực vật để phân biệt động vật ăn thịt tùy ý và động vật ăn tạp.
Động vật ăn cỏ chỉ về một số loài động vật ăn cỏ (ăn thực vật) với chế độ ăn của chúng chủ yếu là cỏ, những động vật ăn cỏ thật sự, chúng tiêu thụ các loài thực vật thuộc họ Poaceae).